Dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu nhưng lượng cát đắp nền về công trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thi công dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM dài hơn 47km với 10 gói thầu xây lắp. Với 4 gói thầu xây lắp chính khởi công từ tháng 6/2023, các nhà thầu vẫn đang thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến; thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu và đẩy nhanh tiến độ thi công bấc thấm, gia tải. Các gói thầu này đã đạt 17,5% giá trị xây lắp.
Với 6 gói thầu thi công từ tháng 1/2024, các nhà thầu đã hoàn thành thi công thử và bắt đầu tổ chức thi công đại trà kết cấu phần dưới, xử lý đất yếu…. Sản lượng thực hiện đạt 5,1% giá trị xây lắp.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc nhất của dự án là nguồn vật liệu cát đắp nền cung cấp cho dự án. Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc dự án thành phần 1 khoảng 7,1 triệu m3, riêng năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, dù các nhà thầu đã chủ động tìm kiếm các nguồn, tuy nhiên khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu của dự án. Chủ đầu tư đang tiếp tục đôn đốc nhà thầu tập trung, khẩn trương tìm kiếm thêm các nguồn cát san lấp trong nước và nguồn cát từ Campuchia để đưa về công trường, phục vụ thi công trong tháng 7 và tháng 8/2024 cũng như các giai đoạn tiếp theo. Chủ đầu tư đang phối hợp với Tổ công tác vật liệu, Tổ công tác liên ngành Chính phủ và các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ cung cấp cát san lấp cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Theo thiết kế được phê duyệt, phương án xử lý nền đất yếu của dự án chủ yếu là giải pháp bấc thấm kết hợp gia tải, nên cần khối lượng lớn cát đắp nền. Theo quy trình kỹ thuật, việc xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm kết hợp gia tải là đường găng, nút thắt quyết định tiến độ dự án (thời gian gia tải từ 10-12 tháng).
Sở Giao thông vận tải TP.HCM phân tích, với tiến độ hoàn thành cao tốc chậm nhất vào tháng 1/2026, thì chậm nhất tháng 8/2024 phải tiến hành xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm kết hợp gia tải và hoàn thành trong vòng 10-12 tháng, thời gian thi công các hạng mục còn lại chưa đến 5 tháng. Đây là khó khăn, thách thức rất lớn.
Để đảm bảo tiến độ cung cấp nguồn vật liệu cát đắp nền, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị tỉnh Vĩnh Long sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác vào cuối tháng 7/2024. Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác đối với 3 mỏ (Bình Đức, Hòa Khánh-1, Hoà Hưng- 5) vào cuối tháng 8/2024; hỗ trợ, bổ sung thêm 7 mỏ mà tỉnh đang tiến hành các thủ tục cấp phép để đáp ứng tiến độ và khối lượng cung cấp cho dự án vào đầu tháng 9/2024.
Sở cũng kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy trình, quy chuẩn sử dụng cát biển phục vụ đắp nền đường các dự án Vành đai, cao tốc để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề vật liệu.