Được định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế của cả Đông Nam Bộ, bộ mặt Thành phố Thủ Đức thay đổi từng ngày. Trong đó, quận 9 được quy hoạch thành trung tâm của mạng lưới đô thị sáng tạo đang thực sự chuyển mình với các dự án tầm cỡ.
Vùng ngoại ô chuyển mình thành đô thị sáng tạo
Lễ hội khinh khí cầu đầu tiên của TP.HCM diễn ra vào những ngày đầu năm 2020 được coi là cột mốc đánh dấu thời kỳ mới của quận 9. Với người dân quận 9, đây quả là bước thay đổi thần kỳ. Từ một vùng sâu vùng xa hẻo lánh của TP.HCM, chỉ sau vài năm, người dân quận 9 trực tiếp được hưởng lợi từ hạ tầng được nâng cấp, từ những dự án quy mô được triển khai: vô số cơ hội kinh doanh cấp hộ gia đình mở ra, giá cho thuê mặt bằng, nhà cửa lên cao.
Tại quận 9, thế hệ trẻ có thể đến các trường đại học danh giá chỉ “mất 1 bước chân”: Làng đại học Long Phước đang được hoàn thiện, hàng loạt trường nổi tiếng như ĐH FPT, ĐH Công nghệ, ĐH Nguyễn Tất Thành… đã và đang chuyển về đây. Đặc biệt hơn, cộng đồng trí thức trẻ quận 9 tăng nhanh cả về chất và về lượng. Được định hướng phát triển thành thủ đô công nghệ cao, quận 9 thu hút ngày càng nhiều người trẻ ưu tú từ khắp cả nước đến đây lập nghiệp.
Bài học từ thị trường quốc tế
Trước khi xu hướng đô thị hoá diễn ra ở Việt Nam, thì ở những khu vực như Gangnam, Seul (Hàn Quốc) và khu Phố Đông, Thượng Hải (Trung Quốc) đã rất thành công ở mô hình phát triển này. Khi những con rồng châu Á trỗi dậy, sức mạnh tích tụ trong nhiều năm gặp đúng thời cơ sẽ tạo ra những bước nhảy thiên niên kỷ ngoạn mục. Không chỉ là trung tâm kinh tế của thành phố, nơi có trụ sở của các tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới như Google, IBM, Toyota, Gangnam hiện nay còn nổi tiếng với các cửa hàng xa xỉ phẩm, ngân hàng, trường học danh tiếng…
Tương tự vai trò của Gangnam đối với thủ đô Seul hiện đại, với Phố Đông, Thượng Hải đã biết nắm bắt cơ hội lịch sử để thể hiện mình chỉ trong một thập niên cuối thế kỷ XX và trở thành con át chủ bài của Trung Quốc khiến cả thế giới kinh ngạc. Đến nay sau hơn 20 năm, Phố Đông đã trở thành bộ mặt kinh tế của đất nước Trung Quốc. Giá căn hộ trung bình tại đây vào khoảng 10.000 USD/m2.
Thủ Đức – Mô hình thành phố trong thành phố
Đặc điểm của TP.HCM khá tương đồng với Seoul cách đây 40 năm hoặc Thượng Hải cách đây 30 năm. Làn sóng đô thị hóa, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng khiến cho các quận trung tâm như quận 1, quận 3 ngày càng bị áp lực về mật độ dân số và chất lượng cuộc sống. Điều này buộc TP.HCM phải tìm các vùng đất mới để xây dựng một động lực tăng trưởng mới, đi cùng chính sách giãn dân. Theo đó, Thành phố Thủ Đức được thành lập với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy kinh tế của thành phố lớn nhất Việt Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Rộng 211 km với dân số hơn 1 triệu người, đơn vị hành chính mới của TP.HCM được kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GRDP cho toàn thành phố và chiếm khoảng 7% GDP của cả nước.
Loạt công trình trọng điểm giúp cho diện mạo khu Đông bật sáng có thể kể đến như hầm Thủ Thiêm, đại lộ Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, cầu Phú Mỹ, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Vành Đai 2. Những công trình sắp sửa đưa vào sử dụng là tuyến Metro số 1 với tổng chiều dài 19,7 km bắt đầu từ Bến Thành đến Depot Long Bình (quận 9), dự án cầu Thủ Thiêm 2, dự án mở rộng các tuyến đường Phước Thiện, Nguyễn Xiển, Lò Lu, Lã Xuân Oai, A8.
“Trong tầm nhìn 10 năm, Quận 9 có cơ hội trở thành trung tâm phát triển năng động nhất của Thành phố Thủ Đức, nhờ được quy hoạch thành trung tâm của mạng lưới đô thị sáng tạo đồng thời có sự xuất hiện của những đại đô thị đẳng cấp quốc tế’, báo cáo của Công ty CBRE nhận định.
Ông Paul Fisher, Tổng Giám đốc của JLL Việt Nam cho rằng: “Nhờ quỹ đất rộng lớn với mật độ dân cư hiện hữu khá thấp, nên tất cả các dự án nhà ở được phát triển tại thành phố Thủ Đức đều được đón nhận tích cực. Tính đến quý IV/2020, hơn 90% tổng nguồn cung căn hộ mở bán tại đây đã có chủ. Ngoài ra, về tốc độ tăng giá, khu vực này cũng vượt trội hơn so với toàn thành phố, cả về căn hộ và đất nền trong những năm qua”.
Từ khi thành phố Thủ Đức chưa chính thức được thành lập, các nhà phát triển căn hộ cao cấp đã dành sự ưu tiên đặc biệt cho khu Đông. Nguồn cung căn hộ cao cấp ở khu Đông chủ yếu được đóng góp từ các dự án của các nhà phát triển bất động sản lớn bao gồm Vinhomes Grand Park tại Khu Đô thị thông minh Phía Đông Sài Gòn, quận 9 của Tập đoàn Vingroup. Nhà phát triển bất động sản Masterise Homes cũng phát triển dự án Masteri Centre Point với 10 tòa tháp trên diện tích đất khoảng 7 ha tại khu vực này.
Theo Nhịp sống kinh tế