Những năm gần đây, phân khúc nhà ở tầm trung tại nội đô TP.HCM ngày càng trở nên khan hiếm, trong khi đó nhu cầu về nhà ở và đầu tư vẫn ở mức cao.
Nguồn cung lớn ở các vùng ven
Theo ghi nhận của Savills, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, những tưởng giá bất động sản sẽ giảm, nhưng thực tế không những không giảm, mà còn tăng lên khi chênh lệch cung – cầu tại khu vực TP.HCM và vẫn ở mức rất cao. Theo đó, xu hướng đầu tư ra vùng ven, phụ cận TP.HCM vẫn được quan tâm.
Báo cáo mới nhất của Savills chỉ ra rằng, trong quý I/2024, TP.HCM đã gấp rút giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm, tăng 25% theo năm. Nổi bật là các dự án Đường Vành Đai 3, tuyến Metro 1 và nút giao An Phú. Khu vực phía đông của TP.HCM được thúc đẩy nhờ làn sóng đầu tư và cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ.
Bất động sản tại các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai và Bình Dương cũng được hưởng lợi từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của TP.HCM, với giá bán thấp hơn 79% và nguồn cung sơ cấp lớn hơn 31%.
Cũng theo ghi nhận của đơn vị này, thách thức ngắn hạn của phân khúc căn hộ vẫn đến từ vấn đề khan hiếm nguồn cung mới và giá bán cao. Dự kiến trong năm 2024, 96% nguồn cung tương lai ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An nằm ở phân khúc giá dưới 5 tỷ đồng/căn. Do đó, đây được xem là lời giải cho “cơn khát” nhà ở giá rẻ tại khu vực TP.HCM.
Trong khi đó, theo ghi nhận của DĐDN, ngay từ đầu năm 2024, khá nhiều dự án tại khu vực ven TP.HCM đã được công bố ra thị trường. Tại Bình Dương, loạt dự án bất động sản chất lượng cao đã chào sân thị trường như Sycamore, Happy One Central, Picity Sky Park, Emeral 68, Phú Đông Sky One, A& T Garden.
Tại Long An, một số dự án cũng được ra mắt như LA Home, Cát Tường Phú An, Destino Centro. Thậm chí, ngay trong quý I/2024, những doanh nghiệp bất động sản lớn như Vinhomes, Ecopark… cũng gắn tên tuổi mình với các dự án tỷ đô nơi cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long.
>> Doanh nghiệp địa ốc phía Nam tăng tốc
Xung lực từ hạ tầng
Nhận định về xu hướng của thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, các tuyến đường vành đai, cao tốc đang được đầu tư xây dựng sẽ tạo ra xu hướng xây dựng đô thị ly tâm phát triển, bởi hiện nay chi phí cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều. Đây là cơ hội của Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của TP.HCM.
Phân tích rõ hơn, ông Kiệt cho biết hệ thống tuyến metro đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông TP.HCM. Các dự án mọc theo metro đã có mức tăng giá rất cao, từ 50 – 70%. Cá biệt, có dự án tăng gần 150%. Điều này cho thấy, hệ thống metro sắp đưa vào vận hành có thể thay đổi định hướng về đầu tư theo hạ tầng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận định, sắp tới, các khu vực hạ tầng phía nam sau nhiều năm trì trệ sẽ có những bước tiến mới. Tới năm 2025, khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3… hoàn thành sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế trọng điểm khu vực phía nam.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đưa ra nhận định trong gần 3 năm qua, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tại TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kể từ khi Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực, TP.HCM chỉ có 11 dự án vượt qua bước thủ tục này, còn nhà ở xã hội thậm chí không có dự án nào được chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, việc chủ đầu tư và khách hàng tìm đến các tỉnh lân cận TP.HCM là điều tất yếu.
Các chuyên gia cho rằng, với sự quan tâm từ các chủ đầu tư trong và ngoài nước, thị trường bất động sản tại tỉnh Bình Dương và các tỉnh Long An, Đồng Nai vẫn đang nhận được nhiều dự án mới. Dự kiến giá căn hộ sơ cấp từ các dự án mới sẽ tăng nhẹ do chi phí phát triển tăng, trong khi giá căn hộ thứ cấp có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn do tốc độ hấp thụ của thị trường chậm lại, giá sẽ ổn định trong dài hạn khi nhu cầu tăng trở lại.