Chỉ còn sáu năm nữa là đến cột mốc năm 2030, Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc trung ương, liền kề “đô thị đặc biệt” TP.HCM.
Việc có thêm một thành phố trực thuộc trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và đó lại là Bình Dương – một thương hiệu khá nổi tiếng về sự năng động sáng tạo, gợi mở ra nhiều triển vọng kết nối vùng.
Chưa bao giờ các dự án kết nối vùng, đặc biệt là đường cao tốc và giao thông công cộng, giữa TP.HCM, Bình Dương và cả khu vực Đông Nam Bộ được xúc tiến và nhắc tới nhiều như gần đây.
Tiêu biểu như Thủ tướng vừa khảo sát việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là tuyến cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM và hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Tuyến cao tốc này sẽ được cả trung ương và ngân sách ba địa phương, doanh nghiệp cùng “hùn vốn”, dự kiến khởi công trong năm nay và sẽ hoàn thành chỉ trong vòng hơn 3 năm tới.
Tương tự, đường vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ đang và sẽ được triển khai, khi được đầu tư hoàn chỉnh cũng đạt tiêu chuẩn cao tốc.
Việc “nối dài” tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên về Đồng Nai, Bình Dương được nghiên cứu, trong đó phía Bình Dương chuẩn bị khởi công trung tâm phức hợp tại thành phố mới, có tích hợp sẵn nhà ga của tuyến metro theo quy hoạch.
Riêng Bình Dương khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương sẽ là động lực để đô thị này tiếp tục đổi mới, thu hút đầu tư.
Hiện mỗi năm tỉnh vẫn đang thu hút hàng tỉ USD vốn đầu tư vào hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động. Bình Dương tiếp tục là nơi cung cấp việc làm, sinh kế cho hàng trăm ngàn người nhập cư từ khắp mọi miền đất nước.
Theo quy hoạch, Bình Dương và Đồng Nai có 8 cây cầu kết nối thì nay đã hoàn thành được 4 cầu. Bình Dương và Tây Ninh có 6 cây cầu kết nối thì nay đã hoàn thành được 3 cây, đang xây dựng thêm 1 cây cầu thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.
Với Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương đã kết nối qua quốc lộ 13 và 14, vừa khánh thành đường tạo lực 6 làn xe Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, trong tương lai còn thêm đường cao tốc.
Với các cây cầu kết nối vừa khánh thành, các chuyên gia đã tính toán một chuyến hàng từ Tây Ninh có thể đi qua Bình Dương để về sân bay Long Thành (Đồng Nai) và các cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu mà không phải đi đường vòng, vừa tránh kẹt xe vừa giảm chi phí.
Tương tự, với các tuyến cao tốc đang được xây dựng đi qua Bình Dương thì xe cộ từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên kết nối với sân bay Long Thành và TP.HCM sẽ thuận tiện hơn.
Triển vọng khi lên thành phố trực thuộc trung ương là thấy rõ, nhưng Bình Dương cũng đối mặt với các bài toán, thách thức về thiếu nguồn lực đầu tư, việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như chỗ ở, chỗ học tập, chữa bệnh…
Chia sẻ với Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh sau lễ công bố quy hoạch cho biết sẽ đồng hành, động viên Bình Dương tiếp tục năng động sáng tạo, chủ động phối hợp với TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Bình Dương cần mạnh dạn đề xuất với trung ương để có những cách làm hay, vừa phát huy hiệu quả vốn đầu tư công nhưng cũng huy động được nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phát triển.