Ngoài những chiếc túi xách, quần áo, đồng hồ, xe hơi mang thương hiệu danh tiếng, nhà giàu Việt có xu hướng sở hữu bất động sản siêu sang với thương hiệu quốc tế để tận hưởng cuộc sống sang trọng như các ngôi sao hay nhà tài phiệt ở New York. “Kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh nên ngày càng có nhiều người giàu. Cách đây 5 năm, Việt Nam chỉ có 1 tỉ phú, bây giờ Việt Nam có 6 tỉ phú. Và hầu hết mọi người đều thích đầu tư vào bất động sản nên giá bất động sản luôn tăng,” Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nói.
Điều Troy nói về sự trưởng thành của giới siêu giàu bản địa với xu hướng tiêu dùng mới cũng tương xứng với cách mà thế giới nhắc đến Việt Nam qua những con số “màu mỡ”. Tờ South China Morning Post gọi Việt Nam là “Ngôi sao đang lên ở châu Á” khi bàn về thành tích chống dịch COVID-19 và thành tựu kinh tế nổi bật trong năm vừa qua. Với mức tăng trưởng kinh tế còn khá khiêm tốn, chỉ 2,91%, mức tăng thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, Việt Nam vẫn đang “tỏa sáng” khi hầu hết các nước đều báo mức tăng trưởng âm. Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt với mức thặng dư thương mại năm 2020 đạt gần 20 tỉ USD, tăng khoảng 80% so với năm 2019.
Rõ ràng là giới siêu giàu bản địa có lý do để hứa hẹn sẽ lớn mạnh hơn trong tương lai. Có thể thấy năm 2021, mức tăng trưởng GDP 6,5% mà Chính phủ Việt Nam kỳ vọng vẫn còn thấp hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế. Ngân hàng Thế giới kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,8%. Oxford Economics dự báo tăng 8%. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng 7,6% trong năm nay.
Trong tháng đầu tiên của năm 2021, chỉ số VN-Index đã chạm tới vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Sau một năm đầy biến động của kinh tế toàn cầu, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 21%. Tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, vốn hóa toàn thị trường đạt mức 230 tỉ USD. Vào cuối tháng 12.2019, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt chỉ ở mức 190 tỉ USD, theo dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Câu chuyện tài sản nhà giàu không còn ẩn giấu mà đã hiển lộ trong các kênh đầu tư chuyên nghiệp.
Và không chỉ chứng khoán. Bất chấp đại dịch, nhu cầu và giá trị bất động sản tại thị trường Việt Nam trong năm 2020 vẫn không ngừng tăng do nguồn cung hạn chế. Chính sách siết tín dụng bất động sản và hạn chế cấp phép cho dự án mới khiến nguồn cung giảm. Từ đó, nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu bất động sản mà chuyển sang đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này.
Trong các năm 2018, 2019, 2020, cổ phiếu bất động sản trở nên kém hấp dẫn trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhận định. Vậy tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam được hiểu thế nào, và vốn đổ vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản cho người giàu hiện nay ra sao?
Giới siêu giàu bản địa, họ là ai?
Kinh tế phát triển nhanh khiến cho câu lạc bộ người có tài sản trên 30 triệu USD ở Việt Nam ngày càng đông hơn. Tài sản của những người nắm nhiều cổ phiếu và bất động sản đã tăng lên rất cao. Chuyên gia chứng khoán này cho rằng, dịch COVID-19 khiến giá cổ phiếu giảm mạnh vào tháng 3 và tháng 4.2020.
Lúc đó, nhiều lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp, và cổ đông của các công ty niêm yết phải mua vào cổ phiếu để kéo giá lên. Khi giá cổ phiếu xuống mức quá thấp, họ mua vào để đầu tư. Sang đầu năm 2021, khi chỉ số VN-Index phục hồi, tài sản của những người này đã tăng khá cao so với năm 2019. Ngoài ra, chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện từ năm 2016 giúp cho nhiều người giàu hơn khi thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trưởng bền vững, ông Minh đánh giá.
Ngoài các tỉ phú, số lượng người siêu giàu có tài sản trên 30 triệu USD tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh. Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu, nhà tư vấn bất động sản Anh Knight Frank cho biết. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 458 người siêu giàu, tăng 7% so với năm 2018.
Số người có tài sản trên 1 triệu USD là 25.737 người, tăng 12% so với năm trước đó. Đến năm 2024, Việt Nam sẽ có 753 người siêu giàu và 42.324 người giàu, tăng lần lượt 430% và 273% so với năm 2014. Xét về tốc độ tăng trưởng của nhóm người siêu giàu trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Ấn Độ và Ai Cập, với mức tăng trưởng 64%, tổ chức này cho biết.
Xây dựng thương hiệu cá nhân bằng hàng hiệu
Những người Việt siêu giàu luôn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách sử dụng những túi xách, đôi giày, trang phục hàng hiệu đắt tiền nhằm thể hiện đẳng cấp của mình. Ngày nay, không khó để bắt gặp những chiếc Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini, Bugatti, Mercedes-Maybach lăn bánh trên đường phố Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực thời trang, xe hơi, các ngân hàng cũng đua nhau tung ra dịch vụ ngân hàng cá nhân – private banking để phục vụ giới khách cao cấp. Branded Residence hay còn gọi là bất động sản hàng hiệu cũng đang được giới nhà giàu Việt chú ý và đầu tư trong vài năm gần đây dưới dạng bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp.
Ngoài vấn đề an ninh khi được sống trong khu biệt lập với dịch vụ cao cấp, sang trọng, giới nhà giàu Việt, những người luôn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân thật tốt, sẵn sàng chi một khoản tiền rất lớn để sở hữu một hay nhiều căn hộ, biệt thự được các công ty bất động sản và nhà quản lý khách sạn hàng đầu thế giới phát triển. Người Việt rất thích gửi tiền vào bất động sản, vì đây là lĩnh vực rất có tiềm năng và thanh khoản cao ở Việt Nam. Những người có nhiều tiền thích đầu tư mạnh vào bất động sản.
“Bất động sản Việt Nam có tính thanh khoản rất cao, giá trị luôn tăng. Nếu không đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam, thì chúng ta có thể đầu tư ở nước nào đây?,” ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, đặt câu hỏi trên khi cho rằng bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn của giới nhà giàu ở Việt Nam.
Siêu giàu chơi “nhà hiệu”
Trong giới siêu giàu ở Việt Nam hay các nước khác trên thế giới, việc sở hữu bất động sản hàng hiệu mang lại cho họ rất nhiều ý nghĩa. Căn hộ hay biệt thự hàng hiệu này tạo ra dấu ấn và thương hiệu cho mỗi cá nhân, khi tài sản họ đang sở hữu được bảo chứng bởi những thương hiệu danh tiếng trên thế giới.
Rất nhiều người Việt sẵn sàng chi 7,5 triệu USD để sở hữu một căn biệt thự ở Tuần Châu hay Phú Quốc mặc dù mức giá này cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Cách đây 5 năm, giá bán của những căn biệt thự Branded Residence như thế này có giá chỉ từ 3 triệu USD. Ông Troy đưa ra dẫn chứng trên nhằm chứng tỏ người Việt ngày càng giàu lên và thị trường bất động sản hàng hiệu có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nhu cầu cho loại hình nhà ở này sẽ rất cao khi số người giàu ở Việt Nam ngày càng tăng.
Mặc dù dân số Việt Nam chỉ có khoảng 100 triệu dân, nhưng loại hình bất động sản hàng hiệu, dự án được thiết kế, xây dựng kết hợp với dịch vụ có thương hiệu toàn cầu nhằm tạo ra sự khác biệt với tất cả các dự án bất động sản khác, vẫn được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới, ông Troy chia sẻ thêm.
Như những đại gia khác trên thế giới, người Việt sẵn sàng chi rất nhiều tiền để sở hữu bất động sản hàng hiệu vì thiết kế độc đáo của dự án, thương hiệu toàn cầu của nhà phát triển, cũng như dịch vụ đẳng cấp, xa hoa. Sống trong một căn hộ có thương hiệu được nhận diện trên toàn cầu, uy tín và thương hiệu cá nhân của gia chủ cũng được nâng tầm, vị chuyên gia của Savills lý giải vì sao nhiều người lại đồng ý chi một số tiền lớn cho một căn hộ hàng hiệu.
Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho loại hình bất động sản được công ty bất động uy tín phối hợp với nhà quản lý khách sạn hàng đầu thế giới phát triển, vì ở đây có rất nhiều thắng cảnh đẹp với bờ biển dài, ông Troy cho biết. Nghiên cứu mới nhất của Savills cho biết, Việt Nam là 1 trong 10 thị trường bất động sản hàng hiệu phát triển nhanh nhất trong nhiều năm tới, bên cạnh Ai Cập, Arab Saudi, Anh, Úc, Malaysia, và Brazil.
Cho đến nay, cả nước có khoảng 200 biệt thự và 50.000 căn hộ được phát triển theo loại hình bất động sản này. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu phục vụ trong ngành du lịch. Hầu hết các dự án này tập trung ở Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng.
Sẽ có một dòng sản phẩm bất động sản hàng hiệu hoàn hảo và bán chạy ở thị trường Việt Nam. Masterise Homes đang phát triển mô hình bất động sản hàng hiệu trong trung tâm thành phố thay vì ở các địa điểm du lịch như các dự án đã được triển khai. Masterise Homes và Marriott International đã ký kết Hợp tác chiến lược toàn diện, dài hạn với kế hoạch xây dựng dòng sản phẩm Branded Residences tại Việt Nam với tên gọi Grand Marina Sài Gòn
Dự án đầu tiên là Grand Marina Saigon, tọa lạc ven sông Sài Gòn ở quận 1, TP.HCM. Dự án sẽ được phát triển thành một khu phức hợp quy mô lớn với chức năng nhà ở, văn phòng, và thương mại. Ông Troy cho rằng Urban Branded Residence sẽ là phân khúc rất thú vị và hoàn hảo cho thị trường Việt Nam và Masterise Homes đang là nhà tiên phong trong phân khúc này. Sự kiện hợp tác giữa Masterise Homes và Marriott International sẽ mang tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực bất động sản nhà ở vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm nhà ở siêu sang như ở New York, London, Dubai hay các thành phố lớn trên thế giới.
“Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và mới mẻ cho phân khúc bất động sản hàng hiệu trong đô thị. Nhu cầu nhà ở có thương hiệu toàn cầu sẽ tăng mạnh khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng”, ông Jason Turnbull, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính của Masterise Homes, nhận định. Bên cạnh Grand Marina Saigon, những dự án trong tương lai, Masterise Homes sẽ hợp tác với những thương hiệu uy tín hàng đầu của Marriott International như Marriott, JW Marriott và Ritz-Carlton. Đây là lần đầu tiên những thương hiệu này phát triển các dự án bất động sản nhà ở tại Việt Nam.
Tiềm năng phát triển của branded residences trong khu vực và Việt Nam
Là bất động sản hàng hiệu, nên tất cả các dự án tại Việt Nam cũng sẽ được thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn chất lượng tương đương với các dự án khác trên toàn cầu, tạo ra đặc quyền, phong cách sống chuẩn mực cho những công dân toàn cầu. Loại hình bất động sản hàng hiệu đã xuất hiện trên thế giới cách đây gần 100 năm. Dự án đầu tiên là khách sạn Sherry-Netherland ở Manhattan, New York.
Các dự án Branded Residences chỉ nằm ở vị trí đắc địa. Theo nghiên cứu trong báo cáo “Branded Residences: An Overview” của hai chuyên gia bất động sản Chris Graham và Muriel Muirden, công thức của Branded Residences là “Win-Win-Win”. Thật vậy, sự hợp tác hai bên giữa nhà phát triển bất động sản sở hữu vị trí tốt nhất và thương hiệu khách sạn siêu sang là bước “Win-Win” đầu tiên. Tiếp theo, người mua nhà khi quyết định đầu tư vào một căn hộ Branded Residences, họ đặt mình vào vị trí thứ ba trong liên doanh ba bên “Win-Win-Win”. Phân khúc bất động sản siêu sang này đã xuất hiện tại 64 nước trên toàn cầu, nhưng hầu hết ở Mỹ và châu Âu, theo Knight Frank.
Dữ liệu của Savills cho thấy trên toàn thế giới có khoảng 500 dự án với 76.000 căn hộ. Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, số lượng dự án thuộc phân khúc này tăng 170%. Trong năm 2020, cả thế giới có thêm 100 dự án. Và cũng chỉ trong khoảng thời gian đó, số lượng thương hiệu tham gia vào lĩnh vực này cũng tăng lên 130 thương hiệu từ 60. Dự kiến, đến năm 2025, cả thế giới sẽ có 160 thương hiệu tham gia vào thị trường này.
Marriott dẫn đầu thị trường này kể từ năm 2002 với thương hiệu Ritz-Carlton, sau khi qua mặt Trump, thương hiệu bất động sản cao cấp ở New York. Marriott hiện có hơn 60 dự án đã hoàn thành và đang triển khai, chiếm 33% tổng dự án branded residence trên thế giới. Đứng vị trí thứ 2 là Four Seasons với 60 dự án. Thương hiệu bất động sản cao cấp của cựu tổng Mỹ Donald Trump tụt xuống vị trí thứ 4 kể từ sau năm 2000, với chưa đầy 40 dự án. Four Seasons, YOO Inspired by Starck, Banyan Tree đã có rất nhiều dự án tại thị trường châu Á. Ritz-Carlton của Marriott cũng bắt đầu tham gia vào khu vực này với các dự án nhà ở, văn phòng siêu sang ở Việt Nam sau khi quyết định hợp tác với Masterise Homes.
Nhà giàu Việt đã thật sự đủ điều kiện kinh tế để tận hưởng những giá trị tốt nhất, ngang tầm thế giới. Xây dựng danh tiếng, thương hiệu cá nhân vượt ra khỏi biên giới và được cả thế giới công nhận và nể phục đang là mục tiêu hàng đầu của giới tinh hoa Việt ngày nay. Sự ra đời của Branded Residences góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư vào Việt Nam.