Với lịch sử gần 100 năm trên thế giới, bất động sản hàng hiệu đã chứng minh được khả năng chống chịu tốt trước những biến cố, khủng hoảng, là một công cụ tích sản dài lâu. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường, hành vi của người tiêu dùng đã và đang thay đổi mạnh mẽ, từ đó càng làm nổi bật những giá trị vượt trội của bất động sản hàng hiệu từ góc nhìn đầu tư.
Không gian sống lý tưởng cho việc giãn cách
Đại dịch hướng khách hàng đến không gian sống thoáng đãng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tinh thần.
Bất động sản hàng hiệu có tất cả những gì khách hàng hậu Covid mong muốn nhất: không gian rộng mở, tầm nhìn tuyệt đẹp, ẩm thực tinh tế, spa chăm sóc sức khỏe và các tiện nghi hấp dẫn khác tạo cảm giác thư giãn, đồng thời trang bị internet tốc độ cao giúp làm việc trực tuyến dễ dàng.
Những lợi thế và không gian riêng tư và những tiện ích được thiết kế với đẳng cấp khác biệt sẽ giúp bất động sản hàng hiệu còn phát triển mạnh hơn trong giai đoạn dịch bệnh. Savills cho rằng các thương hiệu khách sạn sẽ đặc biệt tăng cường hoạt động trong phân khúc này, do đang tìm cách bù vào hoạt động kinh doanh khi ngành khách sạn của họ đang phải đối mặt với thử thách.
Giá trị gia tăng bền vững bất chấp biến cố kinh tế
Trong thời điểm mà mọi người lo ngại về việc giữ tiền mình sao cho an toàn, lợi nhuận thu được từ bất động sản hàng hiệu luôn đảm bảo – dù cho thuê hay bán lại – khiến phân khúc này là một trong những lựa chọn an toàn nhất.
“Khi ngành khách sạn đang phải đối mặt với những thử thách hiện nay, dòng thu nhập đa dạng của phân khúc bất động sản hàng hiệu được đánh giá cao hơn bao giờ hết” Riyan Itani, Trưởng khối Tư vấn Phát triển Quốc tế, Savills.
Đó là lý do trong năm 2020, số lượng dự án mới trong phân khúc bất động sản hàng hiệu trên thế giới đạt con số kỷ lục – trên 100 dự án.
Do nguồn cung hạn chế nên bất động sản hàng hiệu giữ giá tốt. Rủi ro mất giá từ sự xuống cấp của tòa nhà đối với bất động sản hàng hiệu sẽ thấp hơn nhiều so với bất động sản thông thường nhờ sự đầu tư của thương hiệu trong khâu quản lý vận hành sau khi bán hàng. “Khi thương hiệu gắn tên mình với một dự án bất động sản, họ sẽ liên tục đầu tư vào dự án, họ sẽ không ngồi không”, ông Paul cho biết và nói thêm: “Họ đầu tư vào dự án cũng là vì lợi ích của thương hiệu”.
Di sản thương hiệu quốc tế
Các dự án bất động sản hàng hiệu được phát triển dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa một đơn vị phát triển dự án và một thương hiệu, thường trong lĩnh vực nghỉ dưỡng. So với các khu nhà ở hạng sang thông thường – dự án thường được phát triển bởi nhà phát triển bất động sản trong nước hoặc quốc tế, bất động sản mang thương hiệu khách sạn mang đến cho người mua và cả người sử dụng sự hấp dẫn, quen thuộc, thậm chí yên tâm hơn khi đầu tư. Loại hình bất động sản này còn hứa hẹn nhiều tiêu chuẩn về mặt thương hiệu, tạo nét khác biệt so với những dự án nhà ở khác trên thị trường.
Cũng giống như một chiếc túi xách hàng hiệu hay một chiếc xe sang đem đến những giá trị chất lượng, thời thượng và phong cách không đổi dù khách hàng ở nơi đâu, một sản phẩm bất động sản mang thương hiệu nghỉ dưỡng quốc tế – ví dụ như Marriott, sẽ đem đến những tiêu chuẩn về chất lượng, quản lý và dịch vụ bất biến dù ở New York, Dubai hay TP.HCM.
Bảo chứng của những tên tuổi lớn
Để được gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, dự án phải đạt được những tiêu chuẩn khắt khe và cao hơn một dự án bất động sản hạng sang thông thường. Các thương hiệu hàng đầu thế giới như JW Marriott hay The Ritz- Carlton chỉ lựa chọn các dự án có vị trí tâm điểm và đắc địa nhất của một thành phố hoặc địa điểm nghỉ dưỡng, đồng thời lựa chọn những đơn vị phát triển dự án có kinh nghiệm và năng lực – đó chính là quy chuẩn kiểm soát đầu vào của thương hiệu.
Chuyên gia Muriel Muirden, người từng dành hơn 9 năm làm việc tại vị trí Phó tổng giám đốc chiến lược của Tập đoàn WATG cho rằng tầng lớp siêu giàu ngày càng quan tâm đến bất động sản ở vị trí lõi trung tâm đô thị lớn, do họ hiểu rằng đây là nơi “trú ẩn an toàn” cho các khoản đầu tư. Đó là lý do ngày càng có nhiều dự án bất động sản hàng hiệu trong trung tâm thành phố thay vì các địa điểm nghỉ dưỡng.
Các thương hiệu cũng thường tham gia chặt chẽ vào quá trình thiết kế và xây dựng dự án để đảm bảo diện mạo và chất lượng của dự án tuân theo những tiêu chuẩn và nhận diện của thương hiệu. Theo phân tích của Savills, chi phí phát triển dự án bất động sản hàng hiệu sẽ cao hơn so với dự án không thương hiệu, do tiêu chuẩn nội thất cao cấp vượt trội so với thị trường và thiết kế dành nhiều diện tích cho không gian chung và tiện ích. Bởi tiêu chuẩn của hai dòng sản phẩm có sự chênh lệch quá lớn, ngay cả khi so sánh với những dự án bất động sản hạng sang mới xây, giá căn hộ hàng hiệu tại các thị trường mới có thể cao hơn đáng kể.
Giá trị cảm xúc không chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế
Khi sở hữu một sản phẩm bất động sản xứng tầm, khách hàng có thể gián tiếp khẳng định vị thế của họ trong xã hội, đặc biệt là với văn hóa phương Đông.
Tại Việt Nam, báo cáo The Wealth Report 2021 chỉ ra có 390 người sở hữu giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên – thuộc nhóm UHNWI của thế giới, và con số này sẽ tăng 31% trong 5 năm tới, đạt tốc độ hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2025, số lượng người sở hữu giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam được ước tính sẽ tăng lên 25.812 người. Tâm lý của những khách hàng mới giàu cũng góp phần tạo ra mức giá chênh lệch của bất động sản hàng hiệu so với bất động sản thông thường, theo phân tích của Savills. Với nhóm khách hàng này, các thương hiệu cao cấp xa xỉ sẽ có sức hút hơn, bởi họ coi việc sở hữu những thương hiệu là biểu tượng của thành công. Sở hữu bất động sản hàng hiệu vừa có giá trị khẳng định địa vị vừa là lựa chọn đầu tư an toàn.
Theo báo dân trí