TPHCM – Quốc lộ 50B, Võ Văn Kiệt nối dài, đường mở mới Tây Bắc, Vành đai 4 sắp triển khai giúp tăng kết nối, rút ngắn thời gian đi lại giữa TPHCM và Long An.
Quốc lộ 50B
Quốc lộ 50B kết nối TPHCM – Long An – Tiền Giang có tổng vốn đầu tư dự kiến 18.600 tỉ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022.
Tuyến đường dài 55km, rộng 78m, điểm đầu tại đường Phạm Hùng (TPHCM), điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (Tiền Giang).
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đề xuất UBND TPHCM ưu tiên triển khai đầu tư dự án Quốc lộ 50B, đoạn qua địa bàn thành phố (từ đường Phạm Hùng đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 5,8km, rộng 40m cho 6 làn xe lưu thông.
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ gần 5.300 tỉ đồng, dự kiến đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Ngân sách TPHCM dự kiến tham gia khoảng 1.000 tỉ đồng, nhà đầu tư huy động 4.238 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 – 2030.
Đường Võ Văn Kiệt nối dài
Đường Võ Văn Kiệt rộng 60m (đáp ứng 6-10 làn xe), dài khoảng 13km tính từ cầu Calmette (Quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), nằm trong trục đại lộ Đông – Tây của TPHCM. Đường thông xe năm 2009 và được xem là tuyến đường huyết mạch, liên kết TPHCM với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sở GTVT TPHCM đang đề xuất UBND TPHCM triển khai dự án kéo dài đường Võ Văn Kiệt (từ Quốc lộ 1 đến giáp ranh tỉnh Long An).
Dự án xây tuyến đường mới dài khoảng 12,5km, rộng 60m. Trong đó, giải phóng mặt bằng một lần nhưng đầu tư trước giai đoạn 1 xây dựng đường hai bên, mỗi đường rộng 14,5m (phần đất dự trữ ở giữa rộng 31m).
Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.700 tỉ đồng theo hình thức PPP, ngân sách TPHCM tham gia khoảng 50% (2.888 tỉ đồng), triển khai giai đoạn 2024 – 2030.
Đường mở mới phía Tây Bắc
Dự án đường mở mới Tây Bắc dài khoảng 10km, rộng 40m. Dự án có điểm đầu từ Vành đai 2 TPHCM (huyện Bình Chánh) và điểm cuối là ranh tỉnh Long An.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 5.200 tỉ đồng theo hình thức PPP, triển khai giai đoạn 2024 – 2030. Ngân sách TPHCM dự kiến tham gia khoảng 3.900 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, còn lại khoảng 1.300 tỉ đồng nhà đầu tư huy động để xây dựng.
Tuyến đường này giúp giải quyết được tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện Bình Chánh, Hóc Môn do khu vực này có mật độ tập trung các Khu công nghiệp cao; hình thành nên trục xuyên tâm kết nối từ Vành đai 2 TPHCM đến Vành đai 4 và trục động lực Đức Hòa (Long An).
Vành đai 4 TPHCM
Vành đai 4 đi qua TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu dài gần 207km, đầu tư giai đoạn một với tổng vốn hơn 127.000 tỉ đồng.
Trong đó, Vành đai 4 qua TPHCM dài 17,3km, từ cầu vượt qua sông Sài Gòn (cầu Phú Thuận, Bình Dương) đến cầu vượt kênh Thầy Cai (tỉnh Long An).
Tuyến đường được xây dựng 4 làn xe cao tốc (có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến), đường song hành hai bên 2 làn xe. TPHCM sẽ giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch rộng hơn 74m.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 14.000 tỉ đồng theo hợp đồng BOT. Trong đó ngân sách TPHCM khoảng 7.251 tỉ đồng, còn lại hơn 6.800 tỉ đồng do nhà đầu tư huy động.
Theo Sở GTVT TPHCM, dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay, phấn đấu khởi công dịp 30.4.2025, hoàn thành năm 2028.